Hoạt động Hội nghề cá Việt Nam năm 2016 và kế hoạch hoạt động năm 2017
Năm 2016, ngành thủy sản nước ta đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, sản xuất- kinh doanh tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Hội Nghề cá Việt Nam cùng các cấp Hội đã có nhiều hoạt động, chủ động phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị chức năng góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho hội viên và những người lao động nghề cá, góp phần thực hiện các nhiệm vụ của ngành thủy sản và đẩy mạnh các hoạt động của Hội.
Những kết quả đạt được
Theo báo cáo của Tổng cục thủy sản, năm 2016, tổng sản lượng thủy sản cả nước ước đạt hơn 6,7 triệu tấn tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, sản lượng khai thác gần 3,1 triệu tấn (tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2015), sản lượng nuôi trồng trên 3,6 triệu tấn (tăng 3,3% so với cung kỳ năm 2015). Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt trên 7 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, sản xuất- kinh doanh tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại nhất là vấn đề vốn cho sản xuất, nhiều doanh nghiệp, người sản xuất làm ăn hiệu quả thấp và thua lỗ; công nghệ đánh bắt thủy sản trên biển còn lạc hậu, dịch vụ hậu cần còn yếu và nhiều vụ tàu Trung Quốc, tàu nước ngoài xâm phạm cản trở ngư dân trên biển; nuôi trồng thủy sản còn khó khăn nhất là về chất lượng con giống, thức ăn, dịch bệnh chưa kiểm soát được. Bên cạnh đó là hiện tượng biến đổi khí hậu, mưa lũ tại một số tỉnh miền Trung, xâm nhập mặn, hạn hán kéo dài và ô nhiễm môi trường, đặc biệt sự cố môi trường do công ty Hưng nghiệp Formosa gây nên đã làm thiệt hại lớn cho ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế nói riêng và nghề cá miền Trung nói chung.
Hội Nghề cá Việt Nam cùng các cấp Hội đã có nhiều hoạt động, chủ động phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị chức năng góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi cho hội viên và những người lao động nghề cá, góp phần thực hiện các nhiệm vụ của ngành thủy sản và đẩy mạnh các hoạt động của Hội.
Hệ thống tổ chức của Hội từ TW đến các địa phương tiếp tục được củng cố. Tổng số ủy viên BCHTW Hội hiện nay là 80 đồng chí, ủy viên Ban thường vụ là 24 đồng chí. Năm 2016 kết nạp 4 đơn vị hội viên tập thể (tính đến nay Hội có 106 hội viên tập thể). Có 6 tỉnh Hội tổ chức Đại hội là Cà Mau, Quảng Nam, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Quảng Ngãi và 2 Tỉnh hội thành lập mới là Hậu Giang và TP. Hồ Chí Minh đã kết nạp làm Hội thành viên của Hội Nghề cá VN.
Bên cạnh việc củng cố tổ chức, Hội Nghề cá Việt Nam đã có nhiều hoạt động bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và ngư, nông dân. Các cấp Hội đã phát huy được vai trò và tác dụng đối vớí việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và ngư, nông dân như: Tập hợp và đề xuất nhiều ý kiến bằng văn bản lên các cơ quan quản lý Nhà nước về các cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản và nâng cao đời sống (có 25 văn bản), trong đó kiến nghị liên quan nhiều đến lĩnh vực khai thác hải sản trên biển và nuôi trồng thủy sản, tháo gỡ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Kịp thời lên tiếng phản đối các hành vi của nước ngoài, nhất là Trung Quốc xâm phạm đến quyền lợi của ngư dân và chủ quyền biển đảo của Việt Nam, phản đối Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông…, nhiều tỉnh Hội có đề xuất các giải pháp bảo vệ ngư dân khai thác xa bờ, kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp hỗ trợ và bảo vệ ngư dân.
Cùng với đó, Hội tích cực có những kiến nghị đối với Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương sớm tìm ra nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình , Quảng Trị , Thừa Thiên – Huế gây nhiều thiệt hại về kinh tế, tâm lý lo lắng của ngư dân đi đánh bắt hải sản, các hộ nuôi cá và đề xuất các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho ngư dân trong vùng bị ảnh hưởng do cá chết. Kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành liên quan làm rõ vụ việc Hiệp hội Người tiêu dùng (VINASTAS) công bố nước mắm nhiễm Arsen. Thông qua các Đài Báo, hội nghị, hội thảo và các phương tiện thông tin đại chúng, TW Hội đã kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng cho ngư, nông dân và doanh nghiệp, trung bình mỗi tháng có 2-3 cuộc.
TW Hội và các tổ chức tỉnh hội địa phương đã tích cực tham gia tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của nhà nước về hoạt động nghề cá như: Nghị định 67/2014/NĐ-CP, 89/2015/NĐ-CP và Nghị định 36/2014/NĐ-CP góp phần đưa chính sách của Nhà nước vào cuộc sống.
Xác định vai rõ trò của Hội trong việc góp phần đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, thực hiện tốt nhiệm vụ của ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, đảm bảo đời sống của người lao động nghề cá là nhiệm vụ quan trọng, TW Hội và các Hội thành viên đã quan tâm đến việc phối hợp liên kết hợp tác với các tổ chức cơ quan để góp phần đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.
Về khai thác và dịch vụ khai thác hải sản: Các cấp Hội Nghề cá Việt Nam đã phối hợp tham gia hướng dẫn tổ chức khai thác và hậu cần dịch vụ nghề cá với nhiều phương thức, mang lại hiệu quả thiết thực như: tổ chức đánh cá theo tổ đội, ngư đội khai thác hải sản xa bờ (hiện nay có khoảng 4.400 tổ đội sản xuất trên biển với 32.000 tàu cá và 192.000 ngư dân tham gia); tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, ngư dân thực hiện các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, chuyển đổi công cụ khai thác hiệu quả.
Về nuôi trồng và dịch vụ nuôi trồng thủy sản: TW Hội đã chủ động tổ chức nhiều cuộc hội thảo và kịp thời có văn bản kiến nghị các giải pháp lên Bộ Nông Nghiệp & PTNT, Tổng cục Thủy sản và kịp thời đăng tin trên các Báo, Đài nhằm giải quyết khó khăn cấp bách cho người nuôi tôm. Năm 2016, TW Hội đã phối hợp với tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội chợ VietShrimp với chủ đề “Hội tụ để phát triển ngành tôm” để giới thiệu thành tựu nuôi tôm cũng như công nghệ kỹ thuật nghề nuôi tôm và bàn các giải pháp nâng cao hiệu quả tôm nuôi, ngăn ngừa dịch bệnh.
Về chế biến và tiêu thụ: Các đơn vị của TW Hội tích cực tham gia góp phần đáng kể trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng phổ biến các tiêu chuẩn, quy định liên quan đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản cho xuất khẩu và nội địa, tuyên truyền áp dụng VietGAP và các tiêu chuẩn quốc tế về thủy sản …Nhiều tỉnh Hội có các chi hội sản xuất những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như mực khô một nắng, rong câu chỉ vàng, nước mắm. Tổ chức hội thảo bàn về phát triển sản xuất nước mắm tại TP. Hồ Chí Minh nhằm tìm giải pháp phát triển nghề sản xuất nước mắm đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Ngoài ra, Hội Nghề cá Việt Nam còn thực hiện tốt một số hoạt động khác như: Tham gia thực hiện các chương trình, dự án, tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chuyển giao công nghệ, mở rộng hợp tác quốc tế và trong nước. Thực hiện các hoạt động thông tin – tuyên truyền, xã hội – tình nghĩa, công tác Thi đua – Khen thưởng và Kiểm tra.
Nhiệm vụ và giải pháp hoạt động năm 2017
Năm 2017, Hội Nghề cá Việt Nam bám sát các chủ trương chính sách của Nhà nước, phương hướng kế hoạch phát triển của ngành thủy sản, nhất là chiến lược phát triển ngành đến năm 2020, Đề án tái cơ cấu ngành Thủy sản và kế hoạch của ngành năm 2017 để định hướng và xác định nhiệm vụ trọng tâm hoạt động của Hội .
Trong đó, tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên và ngư, nông dân thông qua đề xuất ý kiến bằng văn bản lên các cơ quan quản lý Nhà nước về các cơ chế, chính sách khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh thủy sản và nâng cao đời sống. Nghiên cứu đề xuất sửa đổi các chính sách tại NĐ 67/2014-CP và NĐ 89/2015, và các chính sách nghề cá nhằm đưa chủ trương, chính sách của nhà nước đi vào cuộc sống một cách hiệu quả. Phối hợp với các cơ quan chức năng ở trung ương và địa phương có biện pháp bảo vệ giúp đỡ ngư dân và người lao động nghề cá hoạt động trên vùng biển chủ quyền Việt Nam.
Tiếp tục đóng góp vào sự phát triển sản xuất, kinh doanh và hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch ngành thủy sản năm 2017 trên các lĩnh vực. Về khai thác và dịch vụ khai thác hải sản: tiếp tục tổ chức lại nghề cá theo hướng chuyển đổi nghề nghiệp hợp lý, nâng cao năng xuất sản lượng khai thác phải gắn chặt với việc bảo vệ nguồn lợi và tổ chức quản lý nghề cá ven bờ dựa trên cơ sở cộng đồng. Đẩy mạnh ứng dụng KHKT trong khai thác hải sản. Tổ chức tốt dịch vụ hậu cần cho nghề cá, chủ động công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn hoạt động khai thác với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Về nuôi trồng và dịch vụ nuôi trồng thủy hải sản: tiếp tục phát triển mạnh nuôi trồng thủy hải sản trên cả 3 loại mặt nước ngọt, lợ và mặn, tăng năng suất, chất lượng và giá trị, đảm bảo phát triển nuôi trồng hiệu quả và bền vững, nhất là đối tượng chủ lực và vùng nuôi tập trung như tôm, cá tra, nhuyễn thể… Phối hợp với Tổng cục Thủy sản triển khai có hiệu quả Nghị định 36 sửa đổi liên quan đến phát triển sản xuất chế biến và tiêu thụ cá tra.
Về chế biến- tiêu thụ: Hội tích cực tham gia về công tác đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện các quy định, tiêu chuẩn như GlobalGAP, VietGAP, HACCP…, tham gia sâu rộng về lĩnh vực chế biến tiêu thụ nội địa. Hưởng ứng chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
Bên cạnh đó, tham gia thực hiện các chương trình, dự án, các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, chuyển giao tiến bộ KHKT, mở rộng hợp tác quốc tế và trong nước.